Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Truyện ngắn. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Ba, 11 tháng 5, 2021

Một chiều mưa gió


– Mua hộ bà mớ rau!



Giọng bà cụ cứ khẩn khoản, đôi tay run run giơ bó rau ra trước mặt một thanh niên trẻ mà van nài. Cậu thanh niên tai đeo đôi tai nghe, giày đi hàng hiệu, mặc một bộ quần áo sặc sỡ trên người, cứ nghe thấy tiếng nheo nhéo lên tai, liền vội tháo ra, rồi quay sang nạt thẳng vào mặt cụ:

– Bà nói nhiều quá, tôi đã nói không mua là không mua!

Bà cụ giật nảy mình, rồi lại cụp đôi mặt xuống, lặng lẽ rút đôi tay run run của mình lại mà đặt bó rau xuống một chồng rau tươi trên gánh. Sở dĩ là trời mưa, vốn chịu không nổi sự gặng hỏi liên tục từ bà cụ, lại nghi sợ rằng bà cụ có ý đi trộm cướp, hắn chỉ đành giơ cặp táp trên người ra rồi che lên đầu, thoáng đã chạy đi mất bóng. Bà cụ ngồi sững đấy, dưới một cái cây xanh lá mọc um tùm, những giọt mưa giờ cũng đã thấm đầy đầu bà. Đôi mắt bà buồn rầu, bà lại đeo cái nón lụp xụp lên đầu, miệng vẫn cố tiếng hò mua:

– Ai mua rau không? Rau mới mang lên sáng nay đây! Ai mua rau không…

Bỗng một chàng trai ăn mặc tươm tất, tay đeo đồng hồ, ra vẻ là người công sở, đang che trên mình cái ô, lặng lẽ nhìn xuống những giọt mưa rơi lã chã trên nền đường mà tiến về phía trước. Thấy người đi qua, bà cụ lại vội gọi giật lại:

– Chú gì ơi! Mua hộ tôi bó rau với!

Bị gọi giật, chàng trai kia bỗng sững lại, quay ra mà nhìn vào khuôn mặt lấm lem đầy bụi bặm của cụ bà. Cậu cười giả lả, nói:

– Cảm ơn bà, cháu không.

– Xin cậu gì đấy, sáng nay tôi chỉ bán được có mớ nhỏ, nhưng bị người ta cướp hết rồi…



Nghe tới đây, chàng trai liền lặng đi. Cậu biết bà cụ này, sáng nào bà cũng gánh hàng rau ra đây mà bán. Nhưng lại chẳng có mấy người mua, họ cứ nhìn thấy bộ dạng lấm lem của bà thì lại sợ, cứ gần về gánh hàng rau thì lại lánh đi, không dám lại gần.

Cậu cũng vậy, cậu cũng như họ, không dám lại gần cụ bà, dưới cái trời chập chờn lọ mọ thế này, cậu càng thấy ghê hơn, ghê với những vết bẩn lấm lem bùn trên tay bà cụ, trên những bụi bặm dính vào đồng tiền của cụ – những tờ bạc lẻ một ngàn hai ngàn…

Không nói gì, cậu chỉ lặng lẽ ỉm đi rồi quay đầu về phía trước, cứ như vậy mà đi một mạch. Nhưng sững lại, cậu lại thấy thương cụ, dưới cái trời mưa tầm tã như này, cậu không nỡ để bà cụ phải ngồi đấy trực chờ người tới mua. Cậu cũng biết sẽ chẳng có ai mua rau của cụ lúc này cả. Bẵng đi một lúc, cậu đi đến nói với cụ bà:

– Rau này bà bán bao nhiêu?

– Hai ngàn một mớ – Bà cụ mừng rỡ.

Nghe xong, chàng trai liền rút tờ mười nghìn đưa cho bà cụ.

– Sao chú mua nhiều thế?

– Con mua cho cả bạn con. Bây giờ con phải đi, bà cho con gửi đến mai con qua con lấy!

Dù ghê tởm là vậy, mặc cho sự ngơ ngác của bà cụ, cậu vẫn cố nhét tiền vào tay bà rồi khẩn khoản vài câu rời đi. Nhanh hơn lúc cậu đi đến. Nhưng lần này, cậu lại thấy vui vui, chẳng rõ vì sao!

Tối hôm ấy, mưa to, xối xả. Chàng trai mua rau ban nãy đứng trong phòng làm việc, ngắm nhìn những hạt mưa lăn qua ô cửa kính và theo đuổi nhưng suy nghĩ mông lung. Cậu thích ngắm mưa, thích ngắm những tia chớp xé ngang trời, thích thả trí tưởng tượng theo những hình thù kỳ quái ấy. Nhưng chợt cậu lại nhìn xuống hàng cây đang oằn mình trong gió mà nghĩ đến những phận người, cậu nghĩ đến bà cụ…

Bất chợt, một tiếng kêu vang lên, cậu giật mình, quay ra phía máy tính. Có lẽ là một bản thảo dự án mới vừa được gửi đến, như kéo cậu trở về thực tại và trở lại công việc của mình.

“Nghỉ thế đủ rồi đấy!”

Tự cắt ngang dòng suy nghĩ, cậu lại ngồi xuống, bắt đầu dán mắt mình vào màn hình máy tính, bắt đầu di chuột và cũng quên hẳn bà cụ…

***

Mấy tuần liền sau đó, chàng trai kia không còn thấy bà cụ đâu, nhưng cậu cũng không để ý lắm. Cậu đang bận với những bản thiết kế chưa hoàn thiện, cuống cuồng lo công trình của mình bị chậm tiến độ. Cậu đã quên hẳn bà cụ và mớ rau mà cậu hẹn sẽ lấy hôm sau đó. Rồi bỗng một chiều Chủ Nhật, chàng trai lại xách xe máy chạy đi loanh quanh, cậu vẫn thường làm như vậy và có lẽ cậu cũng thích thế. Cậu ghé qua quán trà đá ven đường, nơi có mấy bà rỗi việc đang buôn chuyện. Chưa kịp châm điếu thuốc, cậu thanh niên đã thất thần giật mình bởi giọng oang oang của một bà béo:

– Bà bán rau chết rồi.

– Bà cụ hay đi qua đây hả chị? – Chị bán nước khẽ hỏi.

– Tội nghiệp bà cụ! Có một thằng con suốt ngày ăn chơi đàn đúm nên thành ra khổ thế đấy! – Một giọng người đàn bà khác.

– Cách đây mấy tuần bà cụ giở chứng cứ ngồi dưới mưa bên mấy mớ rau. Có người thấy thương muốn đưa bà cụ về nhà nhưng bà cụ nhất quyết không chịu, nói phải bán được bằng hết chỗ rau ấy mới thôi, mà người ta có mua hết rồi bà cụ cũng một mực ở lại, nói thế nào cũng không chịu về; rồi nghe đâu, bà cụ bị cảm lạnh…



Nghe đến đây, mắt cậu chợt nhòa đi, điếu thuốc chợt rơi khỏi môi. Bên tai của cậu vẫn ù ù giọng người đàn bà béo kia…

Chẳng thể ngờ…!

@Nguyễn My

Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Câu chuyện đêm trước Giáng Sinh

- Sao cháu lại ở đây? - cầm tay cậu bé lên, tôi gặng hỏi.

- Cháu không biết, nhưng cháu lạnh, cháu đói...

Trước mắt tôi, một cậu bé đang ôm người nằm co ro bên lề đường, miệng run cầm cập mà cố thở ra vài hơi ấm nhỏ bé.

Trên trời kia, tuyết rơi ngày càng nhiều, bao trùm trên cả những đốm trắng ấy là một bầu trời đêm mờ mịt. Sa Pa những ngày cuối năm thật lạnh. Vậy mà vẫn còn có một cậu bé đang nằm co ro ở một góc đường nơi thị trấn này ư?

- Bố mẹ cháu đâu? - ngập ngừng, tôi lại hỏi tiếp.

- Bố mẹ cháu... họ chưa đến...

Xung quanh thị trấn, giờ đây, những quán ăn đã đóng của và những khách sạn, nhà trọ đều đã hết phòng. Lặng người đi một hồi lâu, cậu bé lại gọi giật tôi lại.

- Chú... chú là ai?

- Chú là Lâm, còn cháu?

- Cháu... cháu là Xìn... Xìn A Pó. Cháu học lớp 5. Còn mẹ cháu là Xìn A Pù, ba cháu là Xìn A Mú. Cháu còn một người chị nữa, tên chị là Xìn A Pường.

Ra cậu bé là người dân tộc. Nhưng sao quần áo lại nhìn lạ thế: cái quần rách, cái áo mỏng... Tại sao trong cái trời lạnh thế này, cậu bé lại có thể mặc một bộ đồ như vậy?

- Nhà cháu hết... hết tiền rồi, cháu cũng hết quần áo...

- Để chú lấy áo cho cháu. - trong phút bối rối, tôi vội vàng cởi áo khoác ra và choàng lên người cậu bé.

Xìn A Pó, cái người coi bộ nhỏ nhắn vậy, nhưng cũng thật kiên cường.. Cái "chăn" mà tôi choàng lên như là đang trùm lấy cả thân thể của cậu bé vậy. Có cái "chăn", cậu bé giờ đây đã như ấm hơn phần nào.

- Sao chú lại ở đây? - cậu bé nhìn lên, hỏi tôi với một vẻ ngại ngùng.

- Chú là khách du lịch lên đây... Chắc bố mẹ cháu lỡ bỏ quên cháu ở đây đấy phỏng?

Lần này, cậu bé không trả lời, chỉ lặng lẽ gật đầu, ánh mắt như đang lẩn tránh câu hỏi của tôi.

- Rồi họ sẽ đến thôi... Chú sẽ chờ họ đến. - vừa nói, tôi lại ngồi xuống bên lề đường nơi cậu bé đang nằm. - Chú không biết quanh đây có ai để mà nhờ giúp không, nhưng chú sẽ ngồi đây, và đợi cho đến khi bố mẹ cháu đến.

- Chắc họ sẽ không đến đâu... Chú đừng chờ. - cậu bé run run nói.

- Sao họ không đến?

- ... Chị cháu sắp lên đại học. Bố mẹ cháu hết tiền rồi, họ không còn đủ tiền để nuôi thêm cháu nữa...

- Vậy nên bố mẹ cháu cố tình để cháu ở lại đây, đúng không?

Một khoảng lặng. Cậu bé không nói gì, chỉ nằm im trong cái "chăn" ấm và lặng đi, lạnh lẽo và buốt giá.

"Chú tin là họ sẽ đến...", tôi tự nhủ với cậu bé trong cái lặng ấy và lại đưa mắt nhìn ra cậu bé với vẻ xót xa.

- Chú không có nhà sao?

- Chú có. Nhà chú ở Hà Nội. Nhưng trên này thì không có. Họ hết chỗ cho chú ở rồi.

- Họ bỏ rơi chú sao?

- Không phải... mà nhà cháu ở đâu? - đột ngột tôi lại cắt ngang câu hỏi của cậu bé.

- Nhà cháu ở xa lắm, tít trên đỉnh núi lận - vừa nói, cậu bé lại ngập ngừng - Chắc ở dưới đấy sướng lắm chú nhỉ?

- Đúng rồi cháu. Thế nhà cháu như thế nào? Có to và rộng không?

- Không, nhà cháu nhỏ, nhỏ lắm. Tuy nhà cháu có một hũ gạo to, nhưng do mất mùa nên giờ có khi hũ gạo ấy cũng chẳng còn...

- Thế cháu có biết đường về nhà cháu hay không? - tôi hỏi.

- Cháu... cháu không biết. Đây mới là lần đầu tiên cháu được bố mẹ cháu đưa lên đi chơi ở thị trấn...

Dứt lời, bỗng tôi lại bắt thấy những tiếng kêu trong bụng của cậu bé như đang kêu gào vậy. Kêu gào vì đói.

Tôi vội lục cặp ra xem, nhưng tiếc thay, không có gì trong đó có thể ăn được cả, ngoài vài tờ mười ngàn và một bộ quần áo trong góc cặp. Lặng người đi, tôi quay ra nhìn cậu bé một lúc, rồi lại quay ra chỗ khác mà trầm ngâm hồi lâu...

Hôm nay đã là ngày cuối cùng của tôi ở Sa Pa. Ngày mai tôi phải về Hà Nội rồi, nhưng còn cậu bé... cậu bé sẽ ra sao?

- Sao trên trời kia thật đẹp chú nhỉ? - cậu bé hỏi giật tôi.

Theo lời cậu bé, tôi nhìn lên. Ừ, cái đốm sao sáng kia thật đẹp, nhưng nó lại xa quá, nên thoắt thấy, thoắt không.

- Ước gì cháu được là ngôi sao kia. - vừa nói, cậu bé lại đưa đôi mắt long lanh hướng về phía bầu trời - Nếu được là ngôi sao kia, cháu sẽ có thể bay đến nhà của bố mẹ cháu mà không cần phải đi bộ nữa.

Tôi không nói gì, chỉ chống cằm mà lặng lẽ theo dõi vì sao kia. Tuyết đã ngừng rơi. Giờ đây, những hạt tuyết li ti đã tan dần trên những cành cây, thảm cỏ; để lại cho khung cảnh xung quanh nó một vẻ thật tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Bình mình sắp đến rồi, lại một ngày mới sắp bắt đầu...

- Chú sẽ đi mua gì đó cho cháu. - tôi vội vàng đứng dậy - Giờ chắc những quán ăn đã bắt đầu mở cửa rồi.

- Cháu không đói... Chú đừng mua. - cậu bé níu chân tôi lại, vẻ khẩn thiết - Ở lại đây với cháu.

- Không được, nếu cháu không ăn, cháu sẽ ngất. - ngập ngừng đôi chút, tôi lại thì thầm vào tai cậu bé - Chú sẽ trở lại, chú hứa...

Cậu bé kia mỉm cười, rồi ngắm nghiền mắt lại, buông lỏng hai tay xuống mà để cho tôi đi. Tôi đứng nhìn cậu bé một lúc rồi vội vã chạy ra quán ăn dưới dốc mua hai cái bánh mì chuột và nhanh chóng lại về chỗ cậu bé đang nằm...

***

Các bạn biết không, khi tôi trở về, cậu bé đã bất ngờ biến mất, không còn nằm trong chiếc "chăn" mà tôi đắp cho nữa. Cậu bé đã xuất hiện một cách đột ngột và ra đi một cách đột ngột. Khi đó, tôi đã chạy đi khắp nơi để tìm cậu bé, vừa tìm vừa gọi tên cậu bé liên tục nhưng vẫn chẳng có tiếng trả lời. Có lẽ bố mẹ của cậu bé đã đến đón hoặc cậu bé đã bỏ đi trước khi tôi trở về.

Thất thần, tiếng chuông nơi nhà thờ đằng xa kia vang lên, và những lời ca cất tiếng: "Mừng ngày Chúa sinh ra đời/Nào mình nắm tay tươi cười...". Giáng sinh đã đến. Bình minh đã lên. Nhưng chỉ còn tôi đứng lẻ loi ở đây, bên lề đường.

Cầm đôi bánh mì chuột trên tay, bất giác tôi lại ngước nhìn lên bầu trời. Ngôi sao sáng kia vẫn ở đó, và như đang dõi theo tôi vậy. Đột nhiên cay cay nơi khóe mắt, tôi lại thầm nghĩ: "Xìn A Pó ơi! Quà Giáng Sinh của cháu đây, sao cháu không nhận?... Hay ai đó đã đưa cháu lên vì sao kia rồi?"

@Nguyễn My




Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Cây phượng ngày xưa

 Hôm nay, tôi về lại trường cũ. 20/11 đã đến rồi, chẳng biết có bạn bè nào còn nhớ trường cũ không mà về, nhưng tôi cứ kệ, tôi vẫn sẽ về lại trường, cốt là để gặp lại thầy, lại cô.

Thực ra, ngôi trường mà tôi từng học cũng cách nhà tôi tầm 2, 3 dặm lận. Vì hồi đó chỗ tôi ở không có trường cấp ba, mà trường tôi đi học lại là trường trái tuyến, tít tận sang quận bên, vậy nên sáng nào tôi cũng phải dậy trước tầm 2, 3 tiếng để bắt xe buýt đi đến trường cho kịp giờ; mà lỡ có dậy muộn rồi, có khi lúc đó tôi cũng phải vắt chân lên cổ mà chạy, chứ nếu đến muộn, có khi lại bị bôi đỏ cả sổ tên tôi chắc chết; giờ nghĩ lại, đôi lúc tôi vẫn còn thấy buồn cười.

Vẫn trên tuyến xe buýt ấy, tôi ngồi trong im lặng, tựa đầu vào cửa và nhìn ra xung quanh. Đằng kia, trên con phố tấp nập, những tưởng như hàng trăm, hàng ngàn học sinh đều đua nhau mà chạy đến trường - từ học sinh còn ở trường đến học sinh đã ra trường, rồi những người trưởng thành đến những phụ huynh từ tốn dắt con đi theo; bỗng thấy những khung cảnh ngoài kia thật giống y với tâm trạng và suy nghĩ của tôi vậy. Đột nhiên liên tưởng đến trường cũ, tôi lại thấy nôn nao và cũng thật khó chịu làm sao...

***

Xe buýt tốp lại bến, tôi xuống xe. Nhìn ra xung quanh, tôi lại há hốc mồm ra mà ngạc nhiên; bơi đối với tôi, cảnh vật quanh trường và cả chính ngôi trường mà tôi đã từng học ở đây, vẫn chẳng có gì thay đổi so với trước cả. 

Thẫn thờ nhìn ra một lúc, tôi lại đảo mắt nhìn vào phía trong trường. Dù hôm nay là 20/11, thế nhưng bên trong trường lại vắng tanh không một bóng người. "Thật kì lạ, tại sao trường lại có thể vắng đến như vậy nhỉ?"...

- Thằng Thành! Là mi đấy phỏng? - đột ngột một tiếng người gọi giật tên tôi lại

Tôi sững người quay ra, ra là bác Bảo vệ. 10 năm đã qua, nhìn bác cũng đã già đi nhiều, nhưng cái giọng đặc trưng của những người miền Trung như bác thật vẫn chẳng lẫn vào đâu được, giờ nhìn vậy chứ đoán chắc bác vẫn còn khỏe lắm.

- Về thăm lại trường phải không?

- Vâng, bác... - tôi gật đầu e lệ.

- Cái thằng suốt ngày đi học muộn nhất trường không ngờ lại có ngày về thăm lại trường cơ đấy! Đúng là thiên biến vạn hóa mà! - vừa tặc lưỡi, bác vừa kết luận.

Tiếp đó, lại sau vài lời hỏi nữa, bác còn "bốp" cho tôi thêm mấy cái khiến lưng tôi cứ như run lên vì sợ. Vì không biết phải nói gì, tôi chỉ đành cười trừ, sau lại xin phép vào nhanh cho bác đỡ kiếm cớ để "trò chuyện".

***

Bên ngoài trường nhìn thì là thế, nhưng khi vào bên trong trường, mọi thứ hầu như vẫn chẳng khác là bao. Tôi thẫn thờ đi từng bước vào trong trường mà lặng người nhìn ra cảnh vật xung quanh. Bất giác, tôi lại cảm thấy sao bồi hồi, sao mà kí ức thời đó lại ùa về thật là nhiều...

Nhìn kìa! Ở phía xa kia chính là cái xe bán kem mà ngày xưa tôi thường phụ nhà ăn để bán cho các bạn đây mà. Nhớ tầm đấy, mỗi tháng tôi có lương là trăm hai chục chẵn mỗi tháng; cũng đủ để đi cày "game"  thâu đêm suốt sáng mà không hết, giờ nghĩ lại, tự dưng lại muốn đi bán kem ghê.

Nhìn kìa! Đằng kia là cái rổ bóng được dán lên trên tường. Nhớ lúc đó, tôi toàn nhảy người đu lên đó mà mãi nó vẫn chẳng gãy nổi. Giờ thì nhìn nó vẫn vậy, chỉ có điều, nếu giờ tôi mà đu lên, liệu nó có gẫy không nhỉ?

A! Nhìn kìa, đó là cây...

Như bị ai chặn ngang họng, tôi sững sờ nhìn ra, miệng cứng im không nói, cũng chẳng nghĩ nổi được gì. Trước mắt tôi, cái cây phượng mà ngày xưa tôi chơi cùng đã bị chặt ngang thân, để lại cho trường là một khung cảnh hoang vắng và một nỗi buồn khó tả trong lòng...

Lê từng bước đi ra, tôi chạm vào ruột cây rồi rê tay trên đó một hồi lâu; vừa rê, tôi cũng chẳng có phản ứng gì, chỉ biết lặng người đi mà nhìn ra...

Hồi tôi còn ở đây, tôi thường hay chơi với cái cây phượng này lắm. Trước khi tôi ra trường, tôi từng là một người rất ngại xã giao, rất ít bạn bè, cũng thường không hay tham gia các hoạt động ngoài khóa của trường lớp, nên cả khi tôi vui lẫn khi tôi buồn, tôi sẽ luôn coi cái cây phượng trước cửa lớp tôi như là một người bạn để trút nỗi tâm sự của mình. Kể ra, hồi đó cũng vui lắm, đó cũng là lý do tôi về thăm trường một phần là vì vậy, thế mà...

Bất ngờ, một bàn tay đầy bụi trắng chạm vào vai tôi, tội giật người quay ra, là thầy. Thầy từng là thầy giáo chủ nhiệm của lớp tôi suốt những năm cấp ba, đó là thầy Hùng. Nhìn thầy, chốc tôi lại nhìn thầy những sợi trắng đã bắt đầu nhuộm lên tóc thầy, hay là do bụi phấn nên mới thế chăng?

- Thành, thầy rất ngạc nhiên vì em đã về đấy!

- Không có gì phải ngạc nhiên đâu, thầy.

- Mới thế mà đã mười năm, hồi trước nhìn em còn còi dí còi di như vậy mà giờ nhìn em đã thật khác xưa rồi...

- Mà thầy đang làm gì vậy?

- À, thầy chỉ đang phụ người ta bê chỗ đá vôi kia sang bên khu bển ấy mà.

- Mà sao trường những ngày này lại vắng thế hả thầy?

- Ừ, phải rồi. Vì hiện giờ nhà trường đang tu bổ lại nên những ngày này sẽ không có ai đến trường hết, giờ ở đây chỉ có nhiều bụi bặm, bẩn thỉu thôi... thế cho nên thầy mới ngạc nhiên vì em đến đây.

- Đó là việc họ phải làm mà, thầy không cần phụ đâu...

- Không sao đâu mà, thầy vẫn làm được tốt. Dù sao thì thầy cũng giúp họ để tăng nhanh tiến độ, hoàn thành cho sớm..

Chợt như vừa nhớ ra đươc điều gì, bất giác tôi lại hỏi ngang thầy:

- Mà thầy! Giờ cô Ly đâu rồi hả thầy?

...

Bất giác, người thầy đã lại trùng xuống. Như bị ai vứt cho một quả tạ vào ngực, bỗng tôi lại bắt thầy như đang bị nghẹt thở quá đỗi.

Tôi cũng vậy. Như đọc được tâm trạng của thầy, tôi lại gặng hỏi:

- Có chuyện gì với cô sao hả thầy?

...

- Cô chuyển công tác đi hay là...

- Không con, không phải vậy...

Nuốt nước bọt, tồi đành nín thinh, bởi nếu thầy đã nói như vậy rồi, thực tôi cũng chẳng nghĩ nổi có chuyện gì đã xảy ra với cô nữa...

- Cô ấy đã lấy chồng rồi...

- Lấy chồng?

- Phải, nhưng, chồng cô ấy không cho cô ấy đi làm nữa, họ cùng nhau chuyển nhà về quê chồng để sống, mấy năm nay đã không liên lạc...

...

Nghe đến đây, tôi lại lặng người đi, vậy là... cô Ly đã thực sự từ bỏ sao?

Không thể nào, hồi tôi mới vào trường, cô là một người rất có đam mê và rất yêu nghề, để một quyết định dễ dàng như vậy xảy ra... đó không phải là người cô mà tôi từng biết.

- Tại... tại sao cô lại từ bỏ, thầy? - tôi lắp bắp hỏi lại.

- Thầy không biết, nhưng có lẽ cô đã lựa chọn quyết định đó, có muốn cũng không thể thay đổi được...

Tôi nghẹn lại, bất giác khóe mắt tôi lại thấy cay cay, sao mọi chuyện lại có thể thành ra như thế này?

Còn nhớ, hồi tôi mới vào lớp 10, tôi đã từng khóc, khóc rất nhiều. Thực ra cả hồi cấp hai hay hồi cấp một tôi cũng đã từng khóc như vậy, nhưng cấp ba tôi lại khóc nhiều nhất, bởi tôi học trái tuyến, nên tâm lý sợ phải làm quen với những điều mới đã khiến tôi phải đối mặt với sợ hãi thoe từng ngày đi học. Thậm chí, trong suốt những ngày đầu năm học mắt tôi lúc nào cũng như bị nhúng nước cả ngày lẫn đêm vậy. Cũng may là khi đó có cô Ly - cô giáo dạy văn của lớp tôi - đã động viên và an ủi cho tôi rất nhiều, nên sau đó tôi mới bắt đầu bớt "mít ướt" dần đi và hòa nhập với bạn bè nhiều hơn.

Đáng kể ra, tôi cũng biết ơn cô lắm; mà không chỉ vậy, cô còn là một người rất giỏi trong việc giảng dạy, cô còn xinh đẹp và cũng thật hiền nữa. Nhớ những ngày đó cô đã nói với tôi, rằng từ bé cô đã có ước mơ được làm những việc mình thich - cô thích làm giáo viên. Khi làm giáo viên, cô sẽ được dạy, được truyền kiến thức và truyền lửa cho những học sinh như tôi, vừa nói, hình như cô cũng vừa xúc động lắm, ánh mắt cứ như ánh lên niềm hi vọng raoj rực về tương lai vậy, hay là có bụi vào mắt cô?

Sau đó, kể cả khi tôi đã ra trường, cứ năm nào đến 20/11 là chắc chắn tôi sẽ về để đem một bó hoa đến tặng cô. Thế nhưng, dạo mấy năm trở lại đây, vì lý do công việc mà tôi đã không còn về nữa, chẳng thể ngờ...

***

Mặc tôi cứ đứng đờ ra như người mất hồn, thầy Hùng chỉ ngậm ngùi đứng với tôi một lúc, rồi cũng bắt vai tôi mà bỏ đi. Năm phút, mười phút, rồi mười lăm phút, chẳng biết tự khi nào, tôi đã chẳng còn sốc nữa, chỉ thay vào đó là một sự thương hại và đầy tiếc nuối với người lái đò năm xưa...

Quay ra nhìn gốc cây phượng một hồi, tôi lặng lẽ đi ra và ngồi lên gốc cây phượng kia một lúc, lâu thật là lâu. Nhìn ra phía quanh trường, bất chợt sống mũi tôi lại thấy cay cay; mười năm rồi, đủ để cả một cuộc đời thay đổi, cũng chỉ như cái chớp mắt dưới sự khắc nghiệt của thời gian. Người cũ đã đi qua, người mới chẳng ở lại, nhìn ngôi trường nơi từng chứa biết bao kỉ niệm của mình sắp thay đổi, lòng tôi lại như bâng khuâng:

Còn đâu để nhớ những ngày xưa cũ?

Còn đâu để nhớ... cây phượng ngày xưa?

@Nguyễn My


Thứ Hai, 23 tháng 11, 2020

Mẹ nó

"Từ khi sinh ra, nó đã luôn muốn được gặp mẹ, nhưng... mẹ nó đâu?"

Nó tên là Linh. Nó bé lắm, to cũng chỉ hơn cái bàn để tivi có một tẹo. Nó còn bé, nhưng bố nó thì rất to, to bằng cả cái của chính để đi ra đi vào; tuy to như vậy, nhưng bố nó không được các bạn của nó ngạc nhiên cho bằng, vì bố nó có còn năm tuổi nữa đâu, bố nó đã phải hơn chục chục tuổi rồi, vậy nên bố nó phải đi làm, làm bốc vác thuê cho một kho hàng để kiềm tiền cho bố con nó được sống và ăn. Dù bận thì bận, thế nhưng bố nó lại là người nấu ăn rất giỏi, nó thích lắm: nào là dưa cải muối chát chát, lạc rang muối rất ngon, rồi còn cả rau muống, mồng tơi chấm muối nữa chứ! Có điều, bố nó lại không biết nấu cơm, nên cứ lần nào nó đi học về, nó cũng phải đi cắm cái nồi cơm điện hộ cho bố nó...

Căn nhà nơi hai bố con nó sống nằm ở tít tận trên tầng chót. Thường nhà ở tầng càng cao thì khung cảnh càng đẹp, nhưng vì bố con nó sống trong khu tập thể cấp 4, hơn nữa cái tầng trệt đó bị bỏ hoang không ai sống, vì khu nhà từng bị cháy, ở tít trong ngõ sâu, đã thế lại còn chật hẹp khó vào, nếu ở trên đó thì chỉ có nước nhảy lầu xuống mà chết thôi, nên không ai dám lên đó để ở cả, mà cũng may, vì nhờ có vậy mà thuê ở trển cũng rất rẻ, đỡ tiền hơn cho bố nó nhiều.

Mẹ nó thì đi xa, nghe bố kể nó mới biết mẹ nó đi làm xa để kiếm tiền gửi về cho bố con nó sống, cũng phải, vì nơi nó ở có khi cũng chỉ cách trung tâm thủ đô có một tẹo, chẳng đáng là bao. Thế nhưng, nó lại chưa bao giờ được gặp mẹ nó cả, có hay chăng nó cũng chỉ biết mẹ nó tên là Hiền và mẹ nó rất yêu nó, thế thôi. Có đôi lúc, nó cũng tự hỏi không biết mẹ nó ở đâu, nó lại đi xin bố nó cho đi tìm mẹ nó, nhưng bố nó không cho, nên nó nín, nó thôi, nó sợ bố nó cũng sẽ buồn vì nhớ đến mẹ nó. Tuy vậy, nó vẫn muốn được gặp mẹ nó ở ngoài đời, chứ không phải trong ảnh như bố nó vẫn hay cho xem; dù chỉ một lần thôi, nếu được như vậy thì nó sẽ thật sung sướng biết bao, rồi nó sẽ được mẹ đưa đi chơi, đi ăn, có khi còn sướng hơn cả đi học gấp trăm lần...

***

Một ước mơ của đứa trẻ thì luôn là ước mơ của cả thế giới, nhưng đối với nó, nó chỉ mong mẹ nó sớm về. Nhiều lúc nó nhìn thấy những đứa bạn được mẹ chúng nó chăm sóc, yêu chiều, rồi còn được đưa đi đây đi đó, nó cũng hờn lắm, có đôi lúc nó còn nấc nghẹn lên vài cái nữa cơ, bởi vì nó nhớ mẹ, mặc dù nó còn chưa được gặp mẹ nó một lần nào, nhưng cái ánh mắt dịu hiền của một người mẹ, cái nét mặt đoan trang của một người vợ qua bức ảnh cưới của bố mẹ nó đã làm cho nó thương, nó cảm giác như giữa mình với mẹ nó như có gì đó lớn lao lắm, những tưởng như không có gì có thể ngăn cách hai mẹ con nó vậy.

Vì nó không muốn quên mẹ nó, nên nó hay vẽ mẹ nó lắm, nhớ cái hồi nó còn bé, nó cứ đòi bố nó cho được gặp mẹ, đến bất đắc dĩ rồi, cuối cùng bố nó cũng phải đưa ảnh của bố mẹ nó ra cho nó xem, mà nó nhìn rồi, nó vẫn còn nhớ, nhớ kĩ, nhớ mãi mà đến tận bây giờ nó vẫn không quên, dù hiện tại thì ngày nào lúc nào nó muốn xem nó cũng có thể lấy ra xem cho được, thế nhưng nó vẫn thích vẽ mẹ, chẳng hiểu vì sao; nó vẽ mẹ nó xong là bức nào nó cũng phải gắn lên tường để mỗi khi nó sẽ quên, nó sẽ lại chạy ra để ngắm, ngắm mãi đến khi nào nhớ thì thôi. Có đôi khi, nó khen mình vẽ đẹp, hay là vì nó nhớ mẹ nên nó mới nói thế?

Cũng vì không muốn quên mẹ nó, nên lúc nào nó cũng mang theo một bức "dự phòng" vẽ mẹ nó để đi đến trường, dù không khoe với ai nhưng qua hành động của nó, ai cũng biết nó vẽ mẹ nó - một người mẹ mà không ai nghĩ đó là thật bởi có đứa nào đã được tận mắt nhìn mẹ nó đưa nó tới trường đâu mà biết!...

Nhưng không hiểu sao, vì lẽ đó, và cũng vì tranh vẽ của nó, mà nó lại bị mấy bạn nam ở lớp chọc giận đến phát điên, bọn chúng bảo với nó, rằng người mà nó vẽ trong tranh không phải là mẹ nó, mẹ nó không có thật, có đứa còn ác ý hơn, nói rằng mẹ nó đã bỏ hai bố con nó mà đi rồi. "Lêu lêu! Đồ gà mù mất mẹ!" - đó chính là những lời bọn con trai thường nói để chọc tức nó đến phát khóc. Nó uất ức lắm, nhưng nghĩ lại, nó thấy cũng đung đúng, vì nó đã được gặp mẹ nó tận mắt bao giờ đâu, mà nó chưa được gặp mẹ nó thì cũng có thể người mẹ trong tâm trí nó là không có thật rồi, có hay chăng cũng chỉ là bố nó đã bịa ra một người mẹ vô danh để với mục đích là dỗ dành nó cho qua chuyện thôi chứ sự thật là nó không có mẹ.

***

Với những suy nghĩ ngây ngô đó mà từ dạo bọn con trai trong lớp trêu, nó cứ sa sầm mặt xuống, miệng không dám hó hé một lời nào, sợ lại bị bọn nó trêu thêm. Về đến nhà, nó nấu cơm, nó ăn với bố nó, nó đi tắm, xong đi học rồi đi ngủ. Tuy nhiên, khi nó đi ngủ thì nó lại bắt đầu trằn trọc không sao ngủ nổi. Nó vẫn còn sốc. Nó vẫn còn sốc với những suy nghĩ quay mòng mòng trong đầu nó như một đống tơ rối không cách nào tháo ra được. Nó cứ trằn trọc, mắt thao láo một lúc lâu, rồi nó khóc, nó nắm một góc gối, rồi ôm mặt vào mà khóc. Nó khóc bé lắm, thỉnh thoảng chỉ sụt sịt có vài cái vì nó sợ nếu nó khóc to thì bố nó sẽ tỉnh dậy mà không ngủ được. Dù khóc thì bé, thế nhưng những giọt nước mắt nóng hổi từ trên má nó thì cứ hối hả đua nhau mà rơi xuống gối; nó khóc vì nó bất lực trước sự thật, một sự thật đau đớn rằng nó không biết mẹ nó là ai, nó không biết mẹ nó ở đâu và có đúng hay không, nếu không có nó, thì mẹ nó đã không bỏ hai bố con nó đi xa? Cứ như vậy, dưới dòng suy nghĩ miên man của mình, nó dần lịm đi, lịm đi trong những đống câu hỏi mà nó còn đang mơ hồ, và chìm vào giấc ngủ sâu một lúc lâu sau đó...

Nó đi tìm mẹ. Phải rồi, để biết mẹ nó thực sự là ai, nó phải đi tìm. Lẩm bẩm trong đầu về ý nghĩ đó, khi sực tỉnh lại, bất giác nó thất thần quay người ra về phía cổng trường. Bố nó đã đưa nó đến trường và bỏ đi từ khi nào. Sững người ra một hồi, nó lại quay người vào phía trong trường, các bạn học của nó đang được mẹ chúng nó dắt đến trường, tươi cười nói chuyện nom rất vui. Đứng lẻ loi trong đám trẻ ấy, bất giác nó lại quay ra cổng trường rồi bỏ mình chạy đi, nó cứ nhắm mắt nhắm mũi mà chạy thẳng ra khỏi cổng trường, rồi quẹo phải mà phi thẳng một mạch...

***

Dưới dòng người tấp nập trên đường, hai tay nó giữ cặp, nó ngước mắt nhìn lên những người xung quanh nó với một vẻ ngây thơ đến là ngơ ngác khó tả. Nhưng, họ cũng chẳng để ý đến thái độ hay hành động của nó lắm, họ cứ chỉ cúi gầm mặt xuống mà bước thẳng đi. Lạc lõng trong dòng người qua lại, bất giác nó lại đảo mắt nhìn ra phía bên kia đường; ở bên đấy, cũng dưới dòng người tấp nập qua lại, một người phụ nữ đứng đó, nhìn ra nó, tay vẫy chào, miệng mỉm cười nom rất tươi. Nó đứng người lại, ngơ ngác ra ở đó một lúc, rồi nó nhanh chóng len lỏi qua những chiếc xe máy đỗ bừa trên vỉa hè, xong nó tốp lại trước lề đường, nhìn lại ra người phụ nữ đó một lần nữa...

Đó là "mẹ" nó - người mà nó đã nhìn thấy trong ảnh. Đó là người mà nó đã từng ước ao được gặp một lần trong đời. Đó là người đã từng bị nó nghi ngờ, bị bạn bè nó trêu chọc. Đó là người mà nó đã từng khóc cũng như yêu, yêu rất nhiều. Đó là Hiền - mẹ của nó...

Nó đứng sững như trời trồng, mắt vô thần nhìn ra phía mẹ mình. Nhưng có vẻ như mẹ nó chẳng để ý đến sự ngạc nhiên của nó lắm, mẹ nó vẫn tươi cười, vẫn vẫy tay chào và còn có ý ra hiệu gọi nó lại.

Sau vài phút chết sững như thế, nó bắt đầu đặt hai chân xuống lề đường, nhìn ra phía xung quanh. Trước mắt nó, xe cộ trên đường chạy đi chạy lại như ngựa phi nước mã: nào là xe máy, ô tô, xe tải, rồi xe chở khách, xe đạp... tất cả ô hợp đủ loại đều đang chạy như điên trên đường. Trước hoàn cảnh éo le như vậy, chân nó giờ đây rụt đi phần nào. Mặt nó lại như mếu đi đôi chút, nó sợ. Nhưng nghĩ lại, nó chưa một lần nào được tận mặt gặp mẹ nó cả, nếu bây giờ sợ hãi, có lẽ nó sẽ chẳng bao giờ được gặp lại được mẹ nó một lần nào nữa, kể cả trong mơ có khi nó cũng sẽ chẳng gặp nổi.

Nghĩ đến đây thôi, nó lại lấy lại can đảm về mình, nó vững chân và bước xuống vỉa hè một lần nữa, rồi nó hít một hơi thật sâu, và nó chạy. Nó chạy như chưa bao giờ được chạy, mắt nó cứ nhắm thẳng mà chạy sang đường nơi mẹ nó đang đứng mà chạy đến. 

Nó chạy...

Nó chồm lên trên trước lề đường nơi mẹ nó đang chờ nó, rồi nó sà vào lòng mẹ nó, khóc nấc lên. Cuối cùng nó cũng đã được gặp mẹ nó - một người mẹ bằng da bằng thịt. Chẳng nghĩ được gì, nó chỉ lặng lẽ vùi mình vào trong lòng mẹ nó, để cho những giọt nước mắt còn lung linh trên má được vương lên chiếc áo đan len mà mẹ nó đang mặc. Nó thực sự... hạnh phúc...

Có nơi đó, ở giữa đường, mọi thứ chỉ còn lại là một vũng máu.

***
Bây giờ đã tờ mờ sáng. Dưới ánh đèn chập chờn trước cửa phòng cấp cứu của bệnh viện. Bố nó ngồi đấy, hai tay chống đầu, gục xuống một cách bất lực. Nó đã đi, đi cùng với mẹ nó, và bỏ lại bố nó một mình. Ngồi đó một lúc lâu, những giọt nước mắt lạnh trên khuôn mặt đầy lấm lem bụi bặm của bố nó rơi lại lã chã xuống sàn. Ở góc cuối tầng kia, một chiếc xe chở xác đã được người ta phủ lên một tấm vải trắng trên đó. Đó là mẹ nó, nhiều năm về trước...

Bố nó và mẹ nó đã từng là một gia đình hạnh phúc, cho đến khi nó sắp được sinh ra. Đó chính là những ngày này, của sáu năm về trước. Chỉ vì một xích mích nhỏ trong chuyện tiền bạc, bố nó đã đuổi mẹ nó đi, và mẹ nó chạy ra ngoài đường, vì không cẩn thận mà bị xe chẹt. Có may mắn thay là nó đã được sinh ra, nhưng mẹ nó thì đã chết, chết một cách đầy tức tưởi.

Bố nó đã từng hối hận. Nhưng vì không muốn nó biết được sự thật, một sự thật dã man rằng chính người thân duy nhất của nó lại là người đã cướp mẹ nó đi - một người mà nó luôn ao ước được gặp kể từ khi nó được sinh ra trên đời. Vì không muốn nó biết mà bố nó cuối cùng đã giấu đi, nhưng một lần nữa, bi kịch lại ập đến...

Ngồi ngay người lại, bố nó gạt đi những giọt nước mắt còn vương trên má, ông đứng dậy, rồi đi ra chiếc xe chở xác ở góc cuối tầng, đặt lên trên cùng là một bông hoa hồng màu đỏ. Ông đứng lặng người ở đó hồi lâu...

Có hay chăng, là do ông, hay là do thói đời, nên mới có cái gọi là "vòng xoáy bi kịch" như thế?

@Nguyễn My

Birdemic: Dở đến nỗi chúa cũng phải khóc thét

Birdemic: Shock and Terror, bộ phim của vị đạo diễn Việt kiều James Nguyễn ra mắt vào năm 2010 được xem là "kiệt tác điện ảnh" dở ...