Hiển thị các bài đăng có nhãn Bài bình luận. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bài bình luận. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

Birdemic: Dở đến nỗi chúa cũng phải khóc thét

Birdemic: Shock and Terror, bộ phim của vị đạo diễn Việt kiều James Nguyễn ra mắt vào năm 2010 được xem là "kiệt tác điện ảnh" dở nhất từ trước đến nay. Nguyên nhân gì đã khiến bộ phim này trở thành tác phẩm "dở" đình đám đến như vậy?

Vào năm 2010, một đạo diễn người Việt kiều, James Nguyễn, đã cho ra mắt bộ phim điện ảnh dài 90 phút Birdemic: Shock and Terror, được xem là một trong những "kiệt tác điện ảnh" dở nhất từ trước đến nay.
Dù dở tệ là vậy, thế nhưng bộ phim của Nguyễn lại được công chiếu rộng rãi trên hơn 25 rạp chiếu toàn nước Mỹ với số lượng khán giả "đáng mơ ước". Thậm chí, nhiều hãng phim, trong đó có cả "gã khổng lồ" Paramount Pictures đã mua bản quyền phát hành dưới định dạng DVD, Blu-ray để tiếp cận tới nhiều khán giả hơn. Tất cả khán giả khi xem xong Birdemic: Shock and Terror đều có chung một nhận xét: “Đây là một bộ phim dở nhất tôi từng xem. Bạn phải xem nó ngay”. Vậy, nguyên nhân gì đã khiến bộ phim này trở thành tác phẩm "dở" đình đám chỉ đứng sau mỗi "tượng đài" The Room?

Ban đầu, với đam mê điện ảnh trong mình, vị doanh nhân gốc Việt "kiêm" nhà làm phim James Nguyễn đã mò mẫm tự viết kịch bản, tự đạo diễn, "nhận" luôn cả vai trò sản xuất với số tiền đầu tư ít ỏi 10.000 USD và 4 năm thực hiện. Với sự tham gia của hai diễn viên chính vô danh là Alan Bagh và Whitney Moorehim, phim có nội dung kể về thảm họa tại thị trấn nhỏ bị một bầy chim quái dị giết người tấn công. Tại thời điểm ra mắt, tác phẩm đã được xếp vào loại R (bạo lực và máu me); thế nhưng, chỉ sau buổi công chiếu lần đầu tại California, tờ Mercury News đã liệt thẳng bộ phim vào hàng "phế phẩm" và phê bình rằng, nhân vật chính trong phim diễn xuất thì cứng ngắc còn đối thoại thì ngớ ngẩn. Ngoài ra, kỹ xảo điện ảnh còn quá thô khi thiết kế những con chim "to quá cỡ", chỉ biết vỗ cánh và trông hết sức kỳ cục, còn nhạc đệm bằng loại heavy-metal nghe muốn điếc cả con ráy. Cuối cùng, chốt lại, tác giả bài viết đã khẳng định rằng, một bộ phim dở “ị” như vậy chắc chắn sẽ không có một mống rạp nào thèm chiếu.

Không chỉ dừng lại ở giới phê bình, khán giả cũng chê bai bộ phim bằng những từ ngữ kinh khủng nhất nhưng điều đó không hề khiến ông nao núng. Vị đạo diễn láu cá đã phản biện trên mọi mặt trận thông tin từ báo chí đến trang cá nhân, thậm chí ngay tại các địa điểm công cộng về bộ phim của mình. Sự phản biện này sau đó đã thành công kéo các tờ báo quốc tế vào cuộc, đến ngay cả Associated Press cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Hầu như tất cả đều chê, “dập” Birdemic: Shock and Terror tơi tả. Mượn theo chiều, đạo diễn James Nguyễn lại cho rằng: “Mặc dù nó dở từ hình ảnh đến cách diễn xuất nhưng khán giả không đến rạp vì điều đó. Họ đến vì thích tính thành thực và khôi hài của nó. Đây là điều thiếu trong cái thế giới mà Hollywood cái gì cũng làm được với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại. Ðó là lý do vì sao phim này trở thành một 'quả bom' ăn khách.”
Với “thành công” bước đầu của Birdemic: Shock and Terror, James Nguyễn đã tiếp tục đi một bước tham vọng thứ hai khi đưa bộ phim tham dự LHP Sundance; tiếc thay bộ phim sau đó đã nhanh chóng bị gạt ra ngoài. Không nản lòng, anh lập tức mở một cuộc vận động cho bộ phim. Nguyễn đã đích thân lái một chiếc xe móp méo tùm lum, phủ đầy bằng những con chim giả đầy máu me và phát ra tiếng kêu chói tai, chạy quanh công viên Park City của bang Utah, nơi đang công chiếu bộ phim. Sự sáng tạo này đã vô tình gây được ấn tượng nơi các giám đốc điều hành của Severin Films, khiến họ đi đến quyết định chọn Birdemic: Shock and Terror để phân phối rộng rãi đến các rạp với lời quảng bá rầm rộ rằng “vô số giới ái mộ phim dở đều “đòi hỏi” phải cho chiếu phim này ở địa phương của mình." Sau đó, các suất chiếu ra mắt đều đã bán hết vé ở Oregon, New York và Los Angeles.

Sự tranh cãi của giới truyền thông về tính chất ăn khách của phim cộng thêm phát biểu “chân thực” của James Nguyễn đã là một cộng hưởng tuyệt hảo giúp Birdemic: Shock and Terror càng trở nên sốt vé. Khán giả đều đến xem “bộ phim dở nhất thế giới” với tâm thái tò mò, muốn biết xem nó dở như thế nào, có đúng như lời đồn đại không chứ không phải thưởng thức một tác phẩm hấp dẫn. Và họ đều chung một nhận định “hồ hởi” đúng như vậy sau khi xem xong phim.
Tuy nhiên, trái với tâm lý khán giả đến xem bộ phim dở để giải trí, James Nguyễn lại cho rằng Birdemic: Shock and Terror được thực hiện không chỉ đơn thuần để giải trí, mà còn nhắn gửi đến khán giả "một thông điệp về sự thay đổi khí hậu và môi trường":

"Tôi đang sống giữa trung tâm của Silicon Valley, nơi có Google và Apple, nơi có sự văn minh và thành tựu, nơi có con người và máy móc... [Vì vậy] tôi muốn vẽ nên một bức tranh về những gì chúng ta đang làm đối với các chủng loại khác; những thành tựu và năng lượng chúng ta đã tận dụng có tác dụng những gì đối với Trái Đất."

Chưa bàn đến thông điệp, chỉ sau sự thành công đến bất ngờ của bộ phim, vị đạo diễn này sau đó đã kịp cho ra mắt thêm phần phim nữa Birdemic 2: The Resurrection và sắp tới vào năm 2021 sẽ là phần ba với tên Birdemic 3: Sea Eagle.
*Ở quốc gia phim hay đều không thiếu, Birdemic đã như là một "làn gió" thổi vào nền điện ảnh Hollywood và từ đó càng khiến khán giả trân trọng hơn những bộ phim hay. Trái lại với hiện tượng trên, Việt Nam ta cũng không thiếu những bộ phim dở mà chỉ là khan hiếm những bộ phim hay và chất lượng. Thiết nghĩ, nếu tồn tại ở nền điện ảnh nước nhà, bộ phim sẽ chẳng thể đạt được những điều trên hay thậm chí là mơ ước đến một ngày vươn ra liên hoan phim quốc tế, và chắc hẳn đó cũng không phải là lý do vô tình khiến cho Birdemic lại nhận được nhiều tán dương đến vậy... Một cánh én vốn chẳng thể làm nên mùa xuân, còn những bộ phim như thế này, ta biết ném đi đâu?*
@Nguyễn My

Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

Ngắm tượng đài mà sống

Vào tháng 10 năm 2020, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, một trong những huyện miền núi...

Vào tháng 10 năm 2020, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, một trong những huyện miền núi nghèo nhất ở tỉnh Quảng Nam. 19 người chết, 21 người mất tích và vô số người khác bị thương, nhiều nhà hảo tâm và các tổ chức khi đó đã "động lòng" (nói cách khác là nhận được sự cầu cứu từ huyện) gửi hàng tấn đồ cứu trợ, chi tiền ra để giúp khôi phục lại nhà ở, kiếm công ăn việc làm cho người dân địa phương và cứu giúp những nạn nhân bị cô lập do mắc kẹt bởi hệ thống giao thông đã bị phá hủy trầm trọng sớm vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì quá nghèo mà khi gặp nạn huyện lại phải (cầu viện) đến sự cứu trợ của những mạnh thường quân hay thậm chí là cả tỉnh cho những việc phải-tự-làm như vậy. Trước đó vào tháng 5 cùng năm, huyện đã góp thêm vào khoản tiền hơn 14 tỉ đồng để xây dựng và cải tạo lại tượng đài Khâm Đức, nhưng chẳng rõ vì lý do gì mà khi được tu bổ lại từ năm 2017, hứa hẹn đến tháng 8 năm 2020 sẽ hoàn thành mà từ đó đến tận giờ nhiều hạng mục vẫn còn dang dở, đống nguyên liệu cứ chất đầy hết chỗ này rồi chỗ khác, gây cản trở giao thông cho người dân. 

Cũng nói thêm, tính ở thời điểm dự án cải tạo được bắt đầu, tượng đài mới chỉ tồn tại chưa đầy... 7 năm. Với tiến độ chậm chạp như hiện nay, khó có thể chắc rằng cái "dự án cải tạo" này sẽ sớm được hoàn thiện và tượng đài đi vào hoạt động trở lại. Thế nhưng, không chỉ ở riêng huyện Phước Sơn, nhiều huyện nghèo khác cùng tỉnh cũng đều sở hữu riêng cho mình mỗi nơi một tượng đài tầm chục tỉ đồng: tượng đài chiến thắng Núi Thành huyện Núi Thành; tượng đài chiến thắng Mậu Thân 1968 tại huyện Tam Kỳ; tượng đài chiến thắng Đồng Dương tại huyện Thăng Bình, v.v.. Đáng nói, hầu hết các huyện trên đều nghèo và cũng phải trải qua những "trận đòn roi" từ sạt lở đất đến bão lũ cùng thời điểm mà xã Phước Sơn phải chịu.

Vấn nạn về việc xây tượng đài "quá lố" không phải là hiện trạng mới gặp mà đã diễn ra một cách dai dẳng từ lâu. Lý do cho việc xây dựng những tượng đài như vậy được cho là nhằm "tuyên truyền giáo dục cách mạng" người dân để luôn tưởng niệm công lao của những bậc anh hùng xa xưa và mài dũa lòng tự hào về đất nước. Tuy nhiên, chi phí để "tuyên truyền giáo dục" ấy cũng không hề "dễ thở". Tính ra một tượng đài rẻ nhất cũng phải mất gần tận... 8 tỷ đồng; nhưng thường những công trình giá "hời" như thế sẽ phải tu sửa và cải tạo lại rất nhiều lần, như vậy có khi chi phí bảo trì còn lớn hơn cấp số mũ so với chi phí ban đầu xây dựng. Chưa kể ở thời công nghệ hiện đại như bây giờ, có thể dễ dàng tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước bằng mạng xã hội, bằng truyền thông, hoặc bằng lan truyền khẩu hiệu, những câu chuyện truyền cảm hứng trong xã hội,... vô số các cách khác nhau. Trớ trêu thay, điều đó cũng không ngăn nổi việc ngay cả thời dịch khó khăn như hiện nay, vẫn có hàng chục "cái tượng đài" được dựng lên dù vắng tanh không một bóng người thăm quan.

"[...] về mặt chuyên môn thì cần phải nói rõ Việt Nam không có lịch sử hay truyền thống xây dựng tượng đài." - Trích lời Kiến trúc sư, họa sĩ Lý Trực Dũng trong một buổi phỏng vấn về phong trào xây tượng đài hiện nay ở Việt Nam, ông tiếp lời: "Trước năm 1930, ở Việt Nam không ai nói đến tượng đài. Chỉ sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, nước ta mới bắt đầu học và bắt đầu xây tượng đài, theo cách của Liên Xô, Trung Quốc. [...] Cần biết hệ thống tượng đài ở Liên Xô, Trung Quốc vốn chủ yếu phục vụ mục đích tuyên truyền, phô trương. Trong khi bản chất của tượng đài không phải là tuyên truyền, phô trương; đây là một vấn đề học thuật phải được nghiên cứu, bàn luận nghiêm túc... Tượng đài đã có lịch sử cả hàng ngàn năm, nó không phải để sử dụng vào những mục đích trên mà để tôn vinh một vẻ đẹp nào đó, một chiến thắng nào đó hoặc một cá nhân nào đó."

Vậy vì sao giờ đây người ta lại xây dựng nhiều tượng đài, mà lại to, lại hoành tráng, biến tướng đến thế? Ông trả lời: "Chỉ hơn 10 năm trở lại đây, ở Việt Nam mới bắt đầu có phong trào 'ganh đua' xây dựng tượng đài. Nhiều địa phương hiện nay đều đang rất cố để đua nhau xây tượng đài, càng hoành tráng, to nhất, oai nhất thì càng tốt. [...] Họ thắc mắc vì sao nơi khác xây được tượng to, hoành tráng thế? Vì sao địa phương mình lại không thể xây được cái tượng đài to hơn, hoành tráng hơn? Thậm chí không chỉ các tỉnh thành, mà cả các quận, huyện, xã... cũng đua nhau làm tượng chủ yếu bằng tiền ngân sách nhà nước." Chốt lại, ông nhận xét: "Thực chất việc đua nhau xây tượng đài hiện nay là thể hiện tính sĩ diện của các quan chức địa phương."

Ra là vậy, mặc cho mưa gió bão bùng thế nào, nhiều người vẫn muốn phải có một tượng đài thật to, thật đẹp để sánh vai với... anh hàng xóm bên cạnh, chứ cũng chẳng phải để "giáo dục lòng yêu nước" như từng rêu rao.

Thế nhưng, nếu lấy trường hợp của huyện Phước Sơn ra làm ví dụ, liệu 14 tỷ có phải là quá nhiều? Trong khi người dân đang vật lộn kiếm từng xu lẻ để nuôi bản thân và gia đình qua ngày, 14 tỷ từ ngân sách nhà nước vốn có thể trích ra để xây dựng nhà ở định cư, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ người nghèo vượt qua cơn bĩ cực,... giúp huyện phát triển, "vượt nghèo thoát khó"... bao nhiêu tiền vào việc "tốt" đó, sao không chi mà cứ phải chi vào việc xây dựng tượng đài?

Lại lấy trường hợp tại tỉnh Hòa Bình ra để mà nói, 11 tỷ, cho 11 chữ in hoa có nội dung "ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VĨ ĐẠI". Lúc đó cũng là vào tháng 8, tháng 9 năm 2020, khi Việt Nam tiếp tục bước vào đợt dịch thứ hai, bị phong tỏa cách ly trên diện rộng, người dân điêu đứng khó khăn vì bị chặn không cho ra khỏi nhà. Thường trực Tỉnh ủy, người chủ trương xúc tiến dự án, thời điểm đó thậm chí còn nhận định rằng: "[Việc xây dựng biểu ngữ] có ý nghĩa thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục về công lao của Bác Hồ đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; đồng thời nhằm tạo cảnh quan đẹp khu vực đồi Ông Tượng, góp phần tạo điểm nhấn cho thành phố Hòa Bình."

Giáo dục đâu thì chưa thấy, vậy mà sau khi bị phát giác, dự án vẫn tiếp tục được thi công một cách lén lút dù trước đó đã có cảnh cáo rằng sẽ có sạt lở nếu "cố" xây dựng. Bác Hồ cả một đời đều tôn cao lối sống cần-kiệm-liêm-chính, hẳn sau khi thấy cảnh này chắc sẽ rất đau lòng.

Nói cho cùng, việc xây dựng tượng đài không phải chỉ đơn thuần là để "giáo dục cách mạng" hay so bì với các nơi khác mà còn là cái "bánh vẽ" để con người ta lao vào xâu xé, tranh giành nhau. Biết rằng xây dựng một công trình để giáo dục lòng yêu nước là tốt; nhưng trong khi người dân còn đang nghèo, cần cứu trợ để vượt qua khó khăn, thì việc làm này lại không chỉ thể hiện sự vô tâm, vô trách nhiệm mà còn cho thấy một sự hời hợt trong nhân cách và mỹ thuật.

Mới đây, tỉnh Thanh Hóa cũng đã công bố kế hoạch xây dựng tượng đài "Con tàu tập kết" sẽ được khởi công từ quý III năm 2021 với tổng kinh phí là 255 tỷ đồng, trong khi mới chỉ vài ngày trước đó, đã có một ca tái dương tính sau khi "xuất cách ly" ra ngoài, trung tâm của tỉnh - thành phố Thanh Hóa có nguy cơ sẽ phải phong tỏa cách ly trên diện rộng một lần nữa. 

Thứ hoành tráng được tạo ra giữa những thứ lạc hậu nghèo nàn sẽ không giúp người ta sống và giàu lên được. Cũng như vậy, một tượng đài sẽ thật đẹp khi được đặt ở nơi xứng tầm với nó, còn nếu chỉ xây cho có rồi đặt bừa ở một nơi đồng không mông quạnh, thì nó cũng không khác gì một đống rác tái chế, có thể dễ dàng hư hỏng bất cứ lúc nào.



@Nguyễn My

Bao giờ mới chống dịch xong?


Những ngày gần đây, Việt Nam đang "vỡ trận" với COVID-19, lướt qua trang báo nào cũng chỉ thấy toàn tin về tình hình dịch bệnh, số ca bị lây nhiễm, chỗ này vùng kia bị phong tỏa… TPHCM, nơi số ca nhiễm tăng nhanh và nhiều nhất, đã vừa có quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố trong 15 ngày, bắt đầu từ 0 giờ ngày 9 tháng 7 để phòng chống lây lan dịch ra cộng đồng.

Từ tự hào quá mức đến rối như canh hẹ

Trước hết phải nói ngay rằng, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 cho đến nay, không một quốc gia nào, dù là những cường quốc có nền kinh tế tiên tiến hàng đầu như Mỹ, Tây Âu, Canada, Nhật, Hàn,… mà lại không mắc phải những sai lầm trong cách chống dịch, hoặc do đánh giá thấp lúc đầu mà tự mãn, không có chiến lược cho vaccine về sau.
Giai đoạn đầu khi Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch thì nhiều người từ người dân đến giới chức cho tới báo chí truyền thông đều có thái độ "tự sướng" quá lố, đến mức còn tuyên bố rằng trong đại dịch này, có hàng vạn người từ nước ngoài đã muốn đăng ký về sống tại Việt Nam và rằng "Nếu cột điện biết đi ở Mỹ, thì nó sẽ về Việt Nam". Trong khi các quốc gia khác cùng khu vực cũng kiểm soát dịch tốt, như Đài Loan chẳng hạn còn tốt hơn Việt Nam, thì chả ai "ngất ngây" như vậy cả.
Bây giờ dịch bùng phát thì lại rối loạn, làm toàn những chuyện ngớ ngẩn, như tiếp tục cho bầu cử, thi cử tụ tập đông người, rồi xét nghiệm/tiêm chủng tập trung, đi kiểm tra lấy giấy xét nghiệm âm tính - một cái giấy chỉ có giá trị 3-5 ngày (tương đương với hơn ba trăm ngàn đồng cho mỗi lần xét nghiệm) là một việc làm vừa vô nghĩa, và cũng lại chen lấn đông đúc dễ gây ra nguồn lây nhiễm thêm. Không những vậy, khi giấy khám xét nghiệm âm tính đó đã biến thành một "giấy phép" để có thể tiếp tục làm việc, thì có lẽ nó sẽ không chỉ dừng ở mục đích truy vết bệnh nhân nữa mà sẽ biến thành một công cụ kiếm tiền cho những kẻ bất lương - vốn không hiếm trong thời điểm hiện nay.


Hàng ngàn người xếp hàng dài trước cổng Nhà thi đấu Phú Thọ, Quận 11, TPHCM để chờ tiêm vắc xin Covid-19Ồ ạt làm xét nghiệm để tìm nguồn lây, truy tìm các loại F1, F2 nhưng đã thất bại nặng nề, lại còn tốn kém khủng khiếp; càng xét nghiệm càng tăng số ca nhiễm, một việc làm chẳng cần thử cũng biết chắc chắn là như vậy. Vaccine thì ít và thiếu, thụ động trong việc nhập và phân phối do nguồn cung khan hiếm và chưa thể tự sản xuất ra vaccine.
Ngay cả chuyện cách ly tập trung, dồn tất cả các ca bệnh có liên quan vào một chỗ cũng sai, vì đã vô tình tạo điều kiện cho lây nhiễm chéo, thậm chí còn rất phản khoa học bởi sẽ có những ca F1, F2 chưa chắc đã khởi bệnh hoặc các ca bệnh ấy có lây lan virus nhưng dưới dạng lành tính, trong người họ sẽ sinh ra kháng thể và hệ miến dịch đủ để ức chế, bao vây, nuốt được virus nên dù có lây nhiễm, virus này cũng đã bị bất hoạt tự nhiên và làm cho người nhiễm thứ phát trở thành người lành mang virus như người trước. Vì vậy số ca bệnh (tức phát bệnh) trên thực tế là rất ít, số người cần chăm sóc bệnh viện còn ít nữa, vậy mà lại phải cách ly hàng loạt dẫn đến nghẽn cả hệ thống, không chỉ phản tác dụng mà còn đem lại kết quả xấu hơn.


Số lượng công nhân của khu công nghiệp Wanek 2, tỉnh Bình Dương được cách ly cùng một chỗ quá đông nên đã dẫn đến lây nhiễm chéo, 88 người mắc COVID-19 sau đó

Chống dịch nghiêm túc nhưng vẫn nhẹ nhàng, văn minh

Cần phải thấy rằng, ngay cả trong những ngày này, số ca bị nhiễm, số người chết vì COVID-19 ở Việt Nam, nếu những con số đó là đúng, thì so với Mỹ và châu Âu trong thời điểm dịch bùng phát nặng, vẫn là chẳng là gì. Còn nhớ Mỹ và Anh từng có những giai đoạn thê thảm, trong lúc số người bị nhiễm và số người chết ở Mỹ cao nhất thế giới thì Anh cao nhất châu Âu. Nhưng nếu sống ở Anh thì sẽ không hề thấy sự hoảng loạn, từ chính phủ cho tới người dân. Không phải chỉ vì tính cách của dân bên họ lạnh lùng phớt ăng-lê như người ta thường nói mà cả ở Pháp, Đức, Bỉ, Canada… tình hình cũng vậy.
Không hoảng loạn, không rối trí ngay cả khi phải phong tỏa tới 6, 7 tháng, mà điển hình là đợt gần đây nhất Anh cũng đã phong tỏa toàn quốc từ tháng 12 năm 2020 tới 17 tháng 5 năm 2021 mới nới lỏng bớt, và đến 19 tháng 7 này nếu không có gì thay đổi, thì mới mở cửa lại hoàn toàn.
Phong tỏa một thời gian dài như vậy, mà nói đóng là đóng thực sự, quán xá nhà hàng mọi thứ đều đóng cửa, ngoại trừ siêu thị, tiệm thuốc tây, một vài cửa hàng thiết yếu, người dân thì chỉ được phép đi siêu thị, đi mua thuốc, đi bộ hoặc chạy bộ ngoài trời, hai gia đình không được phép gặp nhau, càng không có chuyện tụ tập gì hết. Nhiều người dĩ nhiên sẽ bức bối, thậm chí còn bị trầm cảm vì suốt một thời gian dài không có những giao tiếp xã hội, không thể gặp gỡ người thân, không mua sắm, ăn uống nhà hàng gì được. Nhất là những người ở một mình, tình trạng còn tồi tệ hơn.
Nhưng ngoài đó ra thì không có sự căng thẳng, chính phủ cũng không lên gân, không hô hào khẩu hiệu "chống dịch như chống giặc", "mỗi người dân là môt chiến sĩ"…; khi tình hình bi đát cũng không mất bình tĩnh mà lúc đạt được kết quả số người bị nhiễm, số người chết thấp hẳn nhờ tiến hành tiêm chủng vaccine nhanh chóng, cũng không ngất ngây "tự sướng".


Dịch thì đúng là chết người, nhưng không ai coi người bị nhiễm là tội phạm phải xa lánh hay chỉ trích, đời sống kinh tế của các thành phần xã hội bị ảnh hưởng vì đại dịch từ người thất nghiệp, người lao động tự do hay doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn… đều được chính phủ hỗ trợ đầy đủ.
Chích vaccine thì ai cũng như ai, từ gia đình Hoàng gia, Thủ tướng cho đến người dân, cứ tính theo độ tuổi từ già đến trẻ, đến lượt là chích, lứa tuổi nào được phép chích loại vaccine nào thì chích, không phân biệt cấp bậc. Đi chích vaccine các trung tâm y tế đã bố trí giờ giấc sao cho không có đông người cùng một lúc, mỗi người sẽ phải ngồi cách xa nhau hai mét chờ đến lượt. Còn bình thường nếu muốn thử xem mình có bị nhiễm hay không thì cũng rất nhẹ nhàng, nếu xét nghiệm nhanh thì có thể ra tiệm thuốc gần nhà lấy bộ kit về nhà tự thử lấy, còn nếu test đầy đủ (PCR test) thì cũng có thể tự thử tại nhà nhưng sau đó phải gửi mẫu đến phòng thí nghiệm đợi kết quả, hoặc đặt hẹn online, tìm một trung tâm nào gần nhà nhất mà đặt, đúng ngày giờ tới thử, kết quả sau đó được gửi qua email, hoặc tin nhắn qua điện thoại, mọi thứ cứ thế nhẹ nhàng, tuần tự mà làm.

Không thể cứ duy ý chí và bỏ quên bao số phận con người

Có thể Việt Nam chưa thể so sánh với các nước nói trên, cũng có thể nói chúng ta chưa đủ khả năng để phổ biến vắc xin do điều kiện sức khỏe chung của nhiều người là ít đáp ứng được với điều kiện của vaccine ngoại nhập, nhưng cần biết rằng, chính ở thái độ và cách ứng phó của chúng ta với đại dịch hiện nay mới là yếu tố tiên quyết gúp kiểm soát tốt tình hình dịch. Nếu như ngay từ đầu lúc kiểm soát tốt được dịch không tự mãn, không coi thường thì đến giờ mọi thứ đã chẳng mất kiểm soát đến vậy. Tuy nhiên, các phương pháp chống dịch hiện nay cũng không thể nói là tệ khi đã giúp Việt Nam thoát qua được nhiều đợt dịch gắt gao nguy hiểm, nhưng nó sẽ chỉ có tác dụng về mặt ngắn hạn. Tính đến lâu dài, nếu cứ tiếp tục áp dụng các lệnh phong tỏa, cách ly tập trung, khai báo xét nghiệm bằng giấy khám thì không chỉ gây ra những hệ lụy khôn lường về sự lây nhiễm mà còn khiến cho nền kinh tế bị kiệt quệ theo.

Việc duy ý chí ở một phương cách chống dịch cố định ngoài ra còn vô tình đẩy nhiều người dân vào thế "cùng cực" - chưa chết vì dịch thì đã có khả năng chết vì đói! Câu chuyện đưa sinh viên từ tỉnh Hải Dương vào TPHCM cũng đã nói lên cái thói quen làm việc thích phô trương hơn là thực chất, bởi nhiều người đã phải đặt ra câu hỏi: Thành phố đã sử dụng hết nguồn lực tại chỗ chưa, có thật cần thiết phải đưa người vào tốn kém nhiều như vậy chưa, và đưa nhiều người từ nơi này sang nơi khác giữa lúc dịch đang lan tràn có phải là khôn ngoan?
Trong những ngày đại dịch quay trở lại, mặt mũi ai nấy đều phờ phạc, nỗi lo dịch một phần thì nỗi lo chết đói, chết vì vỡ nợ… mười phần. Nhưng vừa tự lo cho mình, họ cũng giúp đỡ, đùm bọc người khác theo tinh thần "lá nát đùm lá rách" như hồi nào tới giờ vẫn thế, mà lại còn bị hành mới khác!
Song Chi
*Bài viết đã được hiệu chỉnh bởi người đăng bài, trong đó có lấy một số thông tin bổ sung từ tác giả Tân Phong, bác sĩ Phạm Ngọc Thắng và một số nguồn báo khác*

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Phần 1: Điện ảnh Việt Nam – Quảng bá nước nhà hay quảng bá nước ngoài?: Cái mác “Phim Việt” đã được ra đời như thế nào?

Thực ra việc điện ảnh Việt Nam được xã hội hóa và quảng bá rộng rãi ở cả trong nước cũng như ngoài nước vốn đã không còn là một điều xa lạ với chúng ta. Bằng chứng rõ ràng nhất phải kể đến đó chính là bộ phim điện ảnh thương mại đầu tiên của đạo diễn Lê Hoàng, “Gái nhảy” – đã được ra mắt vào năm 2003, ngay sau thời kì khủng hoảng trầm trọng của những bộ phim mì ăn liền thập niên 90 vừa kết thúc.

Tin nhanh - Đọc báo, tin tức online 24h

Về mặt chất lượng, tuy chưa thể nói bộ phim là "hay", là "thuần Việt" nhưng điều đó cũng không thể phủ nhận được 1 sự thật rằng: Chỉ sau 3 ngày công chiếu tại Hồ Chí Minh, bộ phim đã ngay lập tức thu hút được một lượng lớn khán giả xem phim đến rạp và cũng cùng thời điểm đó, phim đã cán mốc kỉ lục 12 tỉ đồng tiền doanh thu sau khi công chiếu kết thúc – một con số có thể nói là rất lớn thời bấy giờ. Cùng với sự thành công của bộ phim đó là vô số những lời khen từ khán giả và các nhà phê bình, cánh báo chí cùng với các diễn viên nhờ từ phim mà “một bước lên sao” như: “Má mì” Anh Vũ, Mỹ Duyên hay Anh Thư, vv...

Vậy là, kể từ sau sự thành công đó, hàng chục các bộ phim và các phần phim ăn theo khác đã được sản xuất ngay trước thềm năm 2010 như: “Nụ hôn thần chết”, “Khi đàn ông có bầu”, “Áo lụa Hà Đông” hay “Chiến dịch trái tim bên phải”,… tất cả những bộ phim đó đều đã được ra đời cùng vô số những giải thưởng danh giá ở cả trong nước và nước ngoài dành cho công sức của các nhà làm phim lúc bấy giờ (đó là còn chưa nói đến chất lượng).

Áo lụa Hà Đông: rất đẹp và mênh mang buồn | Bùi Văn Phú: suy tư và ...

Và rồi điều gì đến cũng sẽ phải đến, trước những lợi ích đem lại to lớn đến như thế, thực sẽ không có một nhà đầu tư thông minh nào mà lại để bỏ không miếng mồi béo bở như vậy. Đồn trước là giun thì đồn sau là rồng! Thế là phong trào “Người người làm phim, nhà nhà làm phim” cũng từ đấy mà ra đời, kèm theo đó là sự bùng nổ của các ông lớn ngoại quốc ồ ạt tiến đến đầu tư vào các rạp chiếu, mở rộng các cụm rạp trên khắp cả nước cùng với thói quen “cuối tuần xem phim” của khán giả đã dần được hình thành và ngay chính lúc này đây, thời kì xã hội hóa, tư nhân hóa của các nhà làm phim đã được khai mạc và bắt đầu, cũng từ đó mà cú hích phim Việt của phim chiếu rạp đã được nhân lên gấp bội so với những thời kỳ trước.

Thế nhưng, số lượng lại tỉ lệ nghịch với chất lượng, từ sau những năm thập niên 2000, chất lượng phim thương mại hóa và tư nhân hóa càng ngày càng sụt giảm và đi xuống, nếu không muốn nói là thậm tệ. Những bộ phim lúc đó như “Hello Cô Ba”, “Nhà có 5 nàng tiên” hay “Bảo mẫu siêu quậy”,… tất cả đều có một điểm chung đó là: Đều có hài nhảm, đều ra mắt vào dịp tết theo tính “thời vụ” và hầu như đều có Hoài Linh. Hầu hết những bộ phim từ năm 2010 – 2017 chỉ đa phần là hài nhảm, hài mang tính thời vụ, ra rạp theo mùa và chiều khán giả bằng những câu thoại mà nghe xong mà cũng không hiểu có phải là thoại hay không, thậm chí còn có những kiểu phim còn không cần kịch bản, làm đến đâu hay đến đấy và chỉ làm khi có Hoài Linh hay Trường Giang, Thái Hòa thì mới chịu!


Nàng men chàng bóng: "Đại họa" phim Việt


Và rồi cũng vì chính cái thái độ làm phim cẩu thả, thiếu nghiêm túc và hời hợt như thế đã dẫn đến một hậu quả tất yếu: Khán giả quay lưng với phim Việt. Mặc cho dù những bộ phim chất lượng khác đã được ra đời như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh” hay “Thần tượng”, … Nhưng một cánh én không thể làm nên mùa xuân, những bộ phim đó đều khó có thể thoát nổi cái “định kiến khán giả” đối với phim Việt thời bấy giờ cũng như là bây giờ.

Vì đã nhắc đến bộ phim “Em là bà nội của anh” được nêu ở trên cũng như theo tên chủ đề của bài viết, vậy nên nếu không nhắc đến phong trào làm phim remake đã nổi lên như cồn trong vòng 5 năm trở lại đây thì sẽ quả là một điều rất thiếu sót đối với tác giả.

Vậy cho nên, chuyện hay hãy còn chờ tiếp, kính mời quý bạn đọc tiếp tục theo dõi phần 2 trong 4 phần bài bình luận của tác giả tôi.

(Còn tiếp…)

@Nguyễn Minh

Phim ảnh Việt Nam 10 năm qua: Có gì đột phá?

Đã hơn 10 năm kể từ ngày phim truyền hình cũng như điện ảnh được thay da đổi thịt, hay nói cách khác đó chính là được “xã hội hóa” theo kiểu mới của nhà nước. Thế nhưng, nếu chỉ cần nói trong vòng 10 năm trở lại đây thôi, liệu nền phim ảnh nước nhà đã thay da đổi thịt những gì? Thay đổi đến đâu và quan trọng nhất đó là: Chất lượng đã thay đổi như thế nào?

Để trả lời những câu hỏi này, đối với tác giả - tôi không phải là một điều có thể dễ dàng để giải thích. Vậy cho nên bài bình luận này sẽ được chia ra làm bốn phần trên ba lĩnh vực khác nhau của bộ môn nghệ thuật thứ 7 trên để các bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi và nắm bắt các ý trong bài bình luận cũng như không khiến tác giả không bị rối trong việc lẫn lộn thông tin và phân ý.

Kính mong các bạn đọc đón xem.

@Nguyễn Minh


Birdemic: Dở đến nỗi chúa cũng phải khóc thét

Birdemic: Shock and Terror, bộ phim của vị đạo diễn Việt kiều James Nguyễn ra mắt vào năm 2010 được xem là "kiệt tác điện ảnh" dở ...