Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2021

Câu chuyện đêm trước Giáng Sinh

- Sao cháu lại ở đây? - cầm tay cậu bé lên, tôi gặng hỏi.

- Cháu không biết, nhưng cháu lạnh, cháu đói...

Trước mắt tôi, một cậu bé đang ôm người nằm co ro bên lề đường, miệng run cầm cập mà cố thở ra vài hơi ấm nhỏ bé.

Trên trời kia, tuyết rơi ngày càng nhiều, bao trùm trên cả những đốm trắng ấy là một bầu trời đêm mờ mịt. Sa Pa những ngày cuối năm thật lạnh. Vậy mà vẫn còn có một cậu bé đang nằm co ro ở một góc đường nơi thị trấn này ư?

- Bố mẹ cháu đâu? - ngập ngừng, tôi lại hỏi tiếp.

- Bố mẹ cháu... họ chưa đến...

Xung quanh thị trấn, giờ đây, những quán ăn đã đóng của và những khách sạn, nhà trọ đều đã hết phòng. Lặng người đi một hồi lâu, cậu bé lại gọi giật tôi lại.

- Chú... chú là ai?

- Chú là Lâm, còn cháu?

- Cháu... cháu là Xìn... Xìn A Pó. Cháu học lớp 5. Còn mẹ cháu là Xìn A Pù, ba cháu là Xìn A Mú. Cháu còn một người chị nữa, tên chị là Xìn A Pường.

Ra cậu bé là người dân tộc. Nhưng sao quần áo lại nhìn lạ thế: cái quần rách, cái áo mỏng... Tại sao trong cái trời lạnh thế này, cậu bé lại có thể mặc một bộ đồ như vậy?

- Nhà cháu hết... hết tiền rồi, cháu cũng hết quần áo...

- Để chú lấy áo cho cháu. - trong phút bối rối, tôi vội vàng cởi áo khoác ra và choàng lên người cậu bé.

Xìn A Pó, cái người coi bộ nhỏ nhắn vậy, nhưng cũng thật kiên cường.. Cái "chăn" mà tôi choàng lên như là đang trùm lấy cả thân thể của cậu bé vậy. Có cái "chăn", cậu bé giờ đây đã như ấm hơn phần nào.

- Sao chú lại ở đây? - cậu bé nhìn lên, hỏi tôi với một vẻ ngại ngùng.

- Chú là khách du lịch lên đây... Chắc bố mẹ cháu lỡ bỏ quên cháu ở đây đấy phỏng?

Lần này, cậu bé không trả lời, chỉ lặng lẽ gật đầu, ánh mắt như đang lẩn tránh câu hỏi của tôi.

- Rồi họ sẽ đến thôi... Chú sẽ chờ họ đến. - vừa nói, tôi lại ngồi xuống bên lề đường nơi cậu bé đang nằm. - Chú không biết quanh đây có ai để mà nhờ giúp không, nhưng chú sẽ ngồi đây, và đợi cho đến khi bố mẹ cháu đến.

- Chắc họ sẽ không đến đâu... Chú đừng chờ. - cậu bé run run nói.

- Sao họ không đến?

- ... Chị cháu sắp lên đại học. Bố mẹ cháu hết tiền rồi, họ không còn đủ tiền để nuôi thêm cháu nữa...

- Vậy nên bố mẹ cháu cố tình để cháu ở lại đây, đúng không?

Một khoảng lặng. Cậu bé không nói gì, chỉ nằm im trong cái "chăn" ấm và lặng đi, lạnh lẽo và buốt giá.

"Chú tin là họ sẽ đến...", tôi tự nhủ với cậu bé trong cái lặng ấy và lại đưa mắt nhìn ra cậu bé với vẻ xót xa.

- Chú không có nhà sao?

- Chú có. Nhà chú ở Hà Nội. Nhưng trên này thì không có. Họ hết chỗ cho chú ở rồi.

- Họ bỏ rơi chú sao?

- Không phải... mà nhà cháu ở đâu? - đột ngột tôi lại cắt ngang câu hỏi của cậu bé.

- Nhà cháu ở xa lắm, tít trên đỉnh núi lận - vừa nói, cậu bé lại ngập ngừng - Chắc ở dưới đấy sướng lắm chú nhỉ?

- Đúng rồi cháu. Thế nhà cháu như thế nào? Có to và rộng không?

- Không, nhà cháu nhỏ, nhỏ lắm. Tuy nhà cháu có một hũ gạo to, nhưng do mất mùa nên giờ có khi hũ gạo ấy cũng chẳng còn...

- Thế cháu có biết đường về nhà cháu hay không? - tôi hỏi.

- Cháu... cháu không biết. Đây mới là lần đầu tiên cháu được bố mẹ cháu đưa lên đi chơi ở thị trấn...

Dứt lời, bỗng tôi lại bắt thấy những tiếng kêu trong bụng của cậu bé như đang kêu gào vậy. Kêu gào vì đói.

Tôi vội lục cặp ra xem, nhưng tiếc thay, không có gì trong đó có thể ăn được cả, ngoài vài tờ mười ngàn và một bộ quần áo trong góc cặp. Lặng người đi, tôi quay ra nhìn cậu bé một lúc, rồi lại quay ra chỗ khác mà trầm ngâm hồi lâu...

Hôm nay đã là ngày cuối cùng của tôi ở Sa Pa. Ngày mai tôi phải về Hà Nội rồi, nhưng còn cậu bé... cậu bé sẽ ra sao?

- Sao trên trời kia thật đẹp chú nhỉ? - cậu bé hỏi giật tôi.

Theo lời cậu bé, tôi nhìn lên. Ừ, cái đốm sao sáng kia thật đẹp, nhưng nó lại xa quá, nên thoắt thấy, thoắt không.

- Ước gì cháu được là ngôi sao kia. - vừa nói, cậu bé lại đưa đôi mắt long lanh hướng về phía bầu trời - Nếu được là ngôi sao kia, cháu sẽ có thể bay đến nhà của bố mẹ cháu mà không cần phải đi bộ nữa.

Tôi không nói gì, chỉ chống cằm mà lặng lẽ theo dõi vì sao kia. Tuyết đã ngừng rơi. Giờ đây, những hạt tuyết li ti đã tan dần trên những cành cây, thảm cỏ; để lại cho khung cảnh xung quanh nó một vẻ thật tươi đẹp và tràn đầy sức sống. Bình mình sắp đến rồi, lại một ngày mới sắp bắt đầu...

- Chú sẽ đi mua gì đó cho cháu. - tôi vội vàng đứng dậy - Giờ chắc những quán ăn đã bắt đầu mở cửa rồi.

- Cháu không đói... Chú đừng mua. - cậu bé níu chân tôi lại, vẻ khẩn thiết - Ở lại đây với cháu.

- Không được, nếu cháu không ăn, cháu sẽ ngất. - ngập ngừng đôi chút, tôi lại thì thầm vào tai cậu bé - Chú sẽ trở lại, chú hứa...

Cậu bé kia mỉm cười, rồi ngắm nghiền mắt lại, buông lỏng hai tay xuống mà để cho tôi đi. Tôi đứng nhìn cậu bé một lúc rồi vội vã chạy ra quán ăn dưới dốc mua hai cái bánh mì chuột và nhanh chóng lại về chỗ cậu bé đang nằm...

***

Các bạn biết không, khi tôi trở về, cậu bé đã bất ngờ biến mất, không còn nằm trong chiếc "chăn" mà tôi đắp cho nữa. Cậu bé đã xuất hiện một cách đột ngột và ra đi một cách đột ngột. Khi đó, tôi đã chạy đi khắp nơi để tìm cậu bé, vừa tìm vừa gọi tên cậu bé liên tục nhưng vẫn chẳng có tiếng trả lời. Có lẽ bố mẹ của cậu bé đã đến đón hoặc cậu bé đã bỏ đi trước khi tôi trở về.

Thất thần, tiếng chuông nơi nhà thờ đằng xa kia vang lên, và những lời ca cất tiếng: "Mừng ngày Chúa sinh ra đời/Nào mình nắm tay tươi cười...". Giáng sinh đã đến. Bình minh đã lên. Nhưng chỉ còn tôi đứng lẻ loi ở đây, bên lề đường.

Cầm đôi bánh mì chuột trên tay, bất giác tôi lại ngước nhìn lên bầu trời. Ngôi sao sáng kia vẫn ở đó, và như đang dõi theo tôi vậy. Đột nhiên cay cay nơi khóe mắt, tôi lại thầm nghĩ: "Xìn A Pó ơi! Quà Giáng Sinh của cháu đây, sao cháu không nhận?... Hay ai đó đã đưa cháu lên vì sao kia rồi?"

@Nguyễn My




Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

Thật thà và trung thực

 Từ đồng nghĩa của thật thà là trung thực, thế nhưng về ý nghĩa thật sự của nó, hai từ lại rất khác nhau - nhất là về khái niệm.

Hãy tưởng tượng, bạn vừa nhận giúp một người làm việc này, nhưng bất ngờ sau đó lại có một việc quan trọng hơn việc này nhiều; hiện nay đối với việc mà người đó đã nhờ bạn làm, bạn chưa làm được gì cả, và bạn sợ, nếu phải ôm đồm cả hai việc, bạn sẽ khó mà đạt được hiệu quả cao trong cùng một lúc. Vì vậy, bạn buộc phải từ chối, nhưng... từ chối ra sao?

Sẽ có hai trường hợp: 

"Bạn ơi cho mình thôi khỏi giúp bạn nữa nha. Tại mình bận nhiều việc quá, mà việc này lại quan trọng hơn việc của bạn nhờ nhiều, sợ lại làm dở hết việc bạn ra thì khốn. Mình chưa làm gì cả đâu, đi nhờ người khác đi làm giúp đi bạn nhé!" (1)

"Bạn ơi! Mình nghĩ bây mình chưa có đủ thời gian để có thể đảm nhận công việc này, vậy nên nếu được, rất mong bạn có thể nhờ đến người khác. Thành thật xin lỗi vì đã nhận giúp mà lại phải dừng giữa chừng khi chưa làm gì cả" (2)

Theo bạn, lời nói nào sẽ là dễ nghe nhất?

Nếu bạn nói như lời thứ (1), chắc chắn thứ bạn nhận được sẽ là một lời nói khó nghe từ phía đối diện. Vì tất nhiên rồi, công việc quan trọng của bạn sẽ chẳng bao giờ là quan trọng đối với họ, thậm chí, còn chưa bị nói sau lưng về cái tính cách mà họ tưởng là "chảnh", "tự cao" và "vô trách nhiệm" của bạn hay ăn cái bạt tai đã là may. (kể cả cho dù không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và thời gian của người khác)

Còn nếu bạn nói như lời thứ (2), chắc chắn thứ bạn nhận được sẽ là sự đồng ý/thông cảm từ phía đối diện. Bởi nếu bạn không đủ thời gian, họ cũng sẽ không ép buộc bạn phải làm cho tới cùng. Nếu cùng lắm, chỉ là vài lời nhắc nhở suông chứ nếu bạn đã nói khiến cho họ phải êm tai và đồng ý với bạn, quả thật bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì cả (miễn là không làm ảnh hưởng tới quyền lợi và thời gian của người khác)

Nhưng cho dù cả hai lời nói (1) và (2) có bên hơn bên kém đến mấy, thì chúng sẽ luôn có một điểm chung: đó là luôn nói "sự thật" - cái mà ở đây bạn có thể tự cho là sự thật hoặc về căn bản đó là sự thật.

Thật thà và trung thực cũng vậy. Nhưng nếu để so ra, thật thà và trung thực sẽ rất khác nhau - nhất là về khái niệm:

- Thật thà chính là có gì nói nấy, bảo gì làm nấy, luôn thật thà trong mọi lời nói, hành động và việc làm của mình.

- Trung thực là có uy tín trong lời nói, hành động và việc làm của mình.

Với người thật thà, khi hỏi gì, họ cũng sẽ nói nấy, nói hết tuồn tuột ra. Gặp điều gì, họ cũng sẽ đều tự bộc lộ hết cảm xúc cá nhân của mình ra; việc làm cũng vậy, bảo họ làm gì, họ sẽ làm y như vậy.

Còn với người trung thực, khi hỏi gì, họ sẽ nói, nhưng trong phạm vi người khác cần tìm hiểu về mình. Gặp điều gì, họ cũng sẽ quan sát theo thái độ và phản ứng của người khác, rồi mới biểu hiện cảm xúc cá nhân của mình; việc làm cũng vậy, bảo họ làm, họ sẽ phải suy nghĩ về việc đó, và họ sẽ chỉ làm nếu nó phù hợp với khả năng/lợi ích của họ.

“Trung thực mà không hiểu biết thì yếu ớt và vô dụng, còn hiểu biết mà không trung thực thì thật là nguy hiểm và đáng sợ. Còn những người trung thực và hiểu biết sẽ là những người viết nên lịch sử của chính mình” - Samuel Johnson.

Nếu hiểu theo nghĩa rộng hơn, trung thực sẽ mang tính khái quát và bao trùm trong cả thật thà, vì thật thà phải đi kèm với uy tín mới gọi là trung thực, còn nếu thật thà chỉ đi đơn trong suy nghĩ và hành động thì đó sẽ không phải là trung thực. Hay nói cách khác, trong thật thà tự nó có chứa sự vô minh.

Với người trung thực, họ nghĩ rồi nói, với người thật thà, họ nói rồi nghĩ. Quả thật vậy, nếu có người nói: "tính tôi thật thà, thẳng như ruột ngựa, có sao nói vậy, đừng để bụng quá nhiều". Vậy là họ đang tự cho rằng thật thà, thẳng thắn mới là tốt trong khi cái thật thà thẳng thắn đó chẳng khác gì như đang coi thường và khinh rẻ những người có đức tính trung thực, bởi người thật thà thì sẽ chỉ nói những gì mình biết mà không quan tâm đến hoàn cảnh, cảm xúc của người đang nói chuyện với mình, hay thậm chí họ còn chưa xác minh được các thông tin mà mình đã nói có đúng hay chưa, họ cũng sẽ nói toẹt ra (vì họ tự nghĩ đó là đúng) và tự cho rằng đó gọi là thật thà, thẳng thắn. Còn người trung thực thì khác, khi biết được một tin hay tiếp nhận một thông tin nào đó, trước tiên họ sẽ phải xác thực thông tin, kiểm chứng tính chính xác của thông tin và luôn luôn biết lựa lời để nói cho hợp hoàn cảnh và cảm xúc của người đang nói chuyện với mình.

Nếu chúng ta chỉ luôn tự cho rằng một điều là đúng và luôn tin nó là thật mà nó lại không hề đúng với những gì mình nghĩ, chúng không hề đạt được đến cái mà ta tin thì ta sẽ bị lầm đường lạc lối trong cái sai lầm đó, sẽ bị u mê, lừa mị trong cái dối trá đó mà không cách nào thoát ra được.

Còn nếu chúng ta biết kiểm chứng lại tính hợp pháp và những điều vô lý mà chúng ta đang tin vào, luôn nhìn mọi thứ từ phía đa chiều, đa góc nhìn, chúng ta sẽ có một cái nhìn sâu sắc hơn về điều mà chúng ta tin và sẽ đi xa hơn trong lợi ích mà cái niềm tin đó sẽ đem lại cho mình.

Trong xã hội hiện nay, sẽ không khó để nhận thấy nhiều người đang nhầm lẫn giữa thật thà và trung thực. Những người thật thà thì sẽ luôn làm mọi việc, mọi lời nói mà tự cho là đúng, là chính nghĩa mà không cần kiểm chứng lại tính đúng đắn của nó, thật là nhan nhản ngoài đường.

Còn những người trung thực thì rất ít, thường là chiếm thiểu số trong số đông. Bởi họ có tư duy suy nghĩ, phân tích và lập luận, họ sẽ luôn tìm hiểu tính chính xác về mọi thứ và không dễ dàng tin vào những gì người khác nói.

Giáo dục - một nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước hiện nay ở Việt Nam cũng đang giáo dục học sinh trở thành những con người thật thà chứ không phải trung thực. Khi giáo dục về thật thà, có sao nghĩ vậy, những em học sinh sẽ chỉ nghĩ theo cách mà người khác hiểu và tin vào những gì mà người khác thấy. Còn trung thực thì khác, khi có tính trung thực, có thể những em học sinh sẽ có kĩ năng tư duy và biện luận cho tính chính xác vào cái mà mình đang tin vào, tức là những em học sinh ấy có chính kiến của mình và sẽ không dễ dàng bị khuất phục bởi người khác/quan điểm khác...

Adolf Hitler nói bạn hãy giết chết người Do Thái đi vì chúng là quỷ, bạn sẽ phải giết họ sao?

Bác Hồ đã từng dạy: "Khiên tốn, thật thà, dũng cảm", chúng ta cần phải xem xét lại về điều này.

@Nguyễn My

Birdemic: Dở đến nỗi chúa cũng phải khóc thét

Birdemic: Shock and Terror, bộ phim của vị đạo diễn Việt kiều James Nguyễn ra mắt vào năm 2010 được xem là "kiệt tác điện ảnh" dở ...